Ninh Thuận: Những hợp tác xã nông nghiệp đi đầu trong liên kết sản xuất có hiệu quả
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hợp tác xã nông nghiệp (HTX) thực hiện những mô hình sản xuất có hiệu quả, qua đó nâng cao thu nhập cho thành viên, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu là hoạt động hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả.
HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) thành lập vào tháng 6-2016, hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, ban đầu chỉ có 13 thành viên, đến nay phát triển lên 63 thành viên. Khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với canh tác các loại cây trồng cạn ở xã An Hải, HTX vận động thành viên chuyển 35 ha rau xanh sang trồng măng tây xanh, tạo đột phá thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng chú trọng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Năm 2017, được sự hỗ trợ của ngành chức năng, chính quyền địa phương, HTX triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất măng tây xanh, quy mô 20 ha, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, giống mới, sử dụng phân bón hữu cơ, cho năng suất cao gấp 1,5 lần so với hình thức canh tác truyền thống trước đây.
HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú liên kết sản xuất măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả
Điểm nổi bật của HTX Tuấn Tú đó là Ban Quản trị luôn cầu thị, đổi mới tư duy, năng động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo hướng liên doanh, liên kết chuyển giao khoa học - kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Từ đầu năm 2019 đến nay, HTX ký hợp đồng với Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến bán gần 18 tấn măng tây xanh, lợi nhuận thu được hơn 70 triệu đồng. Anh Hùng Ky, Giám đốc HTX, cho biết: Đạt được kết quả, đó là nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc tạo điều kiện thuận lợi để HTX tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi mở rộng diện tích sản xuất măng tây xanh. Tiềm năng phát triển cây măng tây xanh trên địa bàn là rất lớn, thời gian tới, HTX tiếp tục tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để nhận được sự hỗ trợ về giống, mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập cho thành viên.
HTX Nho Evergreen Ninh Thuận áp dựng kỹ thuật bao trái cây nho trong canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao
Cùng với HTX Tuấn Tú, HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cũng đã đẩy mạnh liên kết hai chiều, giữa HTX với nông dân và HTX với doanh nghiệp. Đối với nông dân, HTX liên kết canh tác 15 ha nho trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện các khâu dịch vụ, như: Cung cấp vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Về liên kết với doanh nghiệp, điểm sáng của HTX là liên kết với Công ty TNHH SX-TM Mộc Thành Quả (TP. Hồ Chí Minh) nhằm đưa sản phẩm vào các siêu thị. Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao phục vụ người tiêu dùng trong cả nước, HTX phối hợp với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố áp dụng kỹ thuật bao trái, quy mô 5 ha; đồng thời, thực hiện các quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Năng lực sản xuất hiện tại của HTX là 24 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn nho, doanh thu đạt 5 tỷ đồng. HTX đang đứng trước cơ hội lớn để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, bởi nhu cầu sử dụng nho sạch của người tiêu dùng hiện nay rất lớn. Nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa ổn định cung cấp cho các siêu thị, ngoài duy trì và phát triển 2 vùng nguyên liệu chính ở phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) và xã Xuân Hải (Ninh Hải), HTX đang xây dựng kế hoạch mở rộng vùng sản xuất nho ở xã Thành Hải (Tp. Phan Rrang - Tháp Chàm) và thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải). Với đà phát triển mạnh, dự kiến đến cuối năm 2019 thành viên HTX tăng từ 83 hộ hiện nay lên 150 hộ, tổng diện tích sản xuất nho là 75 ha.
Thành công của HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú và HTX Nho Evergreen Ninh Thuận cho thấy, việc tuân thủ phương châm chia sẻ rủi ro, phân phối lợi ích hài hòa trong sản xuất nông nhiệp thông qua hình thức liên kết với doanh nghiệp là rất cần thiết. Đây là hướng đi tất yếu để các HTX hoạt động có hiệu quả, đứng vững trong nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh gay gắt.
Theo Báo Ninh Thuận
Tin liên quan
- HTX Môi trường xanh Đắk Nông: Hoạt động hiệu quả nâng cao đời sống cho thành viên và người lao động
- Ninh Thuận: Những hợp tác xã nông nghiệp đi đầu trong liên kết sản xuất có hiệu quả
- HTX NN An Nghiệp (Phú Yên) phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững
- HTX Rạch Gầm - đơn vị kinh tế tập thể điển hình của cả nước
- Mô hình HTX gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng: Giải pháp tăng cường đào tạo nghề - nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- Mô hình HTX trong lĩnh vực giao thông vận tải sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW
- HTX Vật liệu xây dựng Tuổi trẻ: Chất lượng tạo dựng phát triển bền vững
- HTX Sinh Dược (Ninh Bình): Góp phần tạo việc làm, an sinh xã hội tại đại phương
- Ninh Thuận: HTX giúp thành viên nâng cao thu nhập từ sản xuất cánh đồng lớn măng tây xanh
- Trồng chè xóa nghèo ở xã vùng sâu Bản Liền