Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong khai thác hải sản khơi xa

Nhằm khắc phục các khó khăn, giúp nghề biển vươn lên đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương sau đại dịch COVID-19, tỉnh Tiền Giang quan tâm phát huy vai trò kinh tế hợp tác trong khai thác hải sản trên các ngư trường khơi xa gắn với chủ động phòng, chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định). 

Chú thích ảnh
Thuyền đánh bắt hải sản đang neo ở Vàm Láng (Gò Công Đông, Tiền Giang). Ảnh: T.S

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, thực hiện mục tiêu về phát triển kinh tế hợp tác trên lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ, đến nay, tỉnh đã vận động thành lập được 44 tổ hợp tác khai thác hải sản với 405 phương tiện, thu hút trên 3.500 thuyền viên; 1 hợp tác xã khai thác với 7 phương tiện, tập hợp gần 70 thuyền viên và 3 nghiệp đoàn khai thác hải sản với 98 phương tiện và 745 thuyền viên.

Thực tế cho thấy, việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành thủy sản và phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm sau khi khai thác cũng như tạo hậu cần vững chắc cho nghề biển. Nhờ vậy, giúp chủ phương tiện và ngư dân chủ động vươn khơi xa, bám biển khai thác hải sản làm giàu vừa góp phần giữ gìn biển đảo quê hương. 

Trước mắt, tham gia mô hình hợp tác khai thác trên biển, các phương tiện có thể tăng thời gian bám biển dài ngày, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản. Đồng thời, các mô hình liên kết sản xuất thiết thực giúp ngư dân còn có thể hỗ trợ nhau kịp thời khi thiên tai, ứng phó rủi ro bất ngờ, bảo vệ an toàn người và phương tiện khi hành nghề…

Đồng thời, thực hiện nghiêm việc chống khai thác hải sản IUU, Tiền Giang có 961 tàu đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 100%. Công tác kiểm tra, kiểm soát đội tàu hành nghề trên biển nhằm chủ động ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được địa phương thực hiện nghiêm ngặt thông qua nhiều biện pháp quyết liệt.

Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực triển khai một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa bờ nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế, gắn với việc đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền trên biển.

Nhờ vậy, mặc dù nghề biển tại Tiền Giang vẫn còn nhiều thách thức, nhất là thời gian gần đây giá nhiên liệu, vật tư tăng cao khiến chi phí cần thiết cho các chuyến biển tăng thêm nhưng ngư dân vẫn nỗ lực vượt khó, tiếp tục vươn  khơi tổ chức đánh bắt hiệu quả.

Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, trong ba tháng đầu năm 2022, tỉnh đã khai thác được trên 40.000 tấn hải sản, tương đương cùng kỳ năm trước. Tiền Giang phấn đấu đạt sản lượng khai thác cả năm trên 125.000 tấn hải sản các loại phục vụ thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu.

Huyện ven biển Gò Công Đông có đội tàu đánh bắt lớn nhất so với các huyện, thành, thị trong tỉnh Tiền Giang thu hút gần 5.000 lao động lành nghề. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, trong quý I/2022, địa phương đạt sản lượng khai thác hải sản 10.236 tấn. Hiện nay, các ngư dân trong huyện đang tập trung cho vụ đánh bắt mới, phấn đấu năm 2022 đạt sản lượng hải sản khai thác 56.000 tấn.

Minh Trí (TTXVN)


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam