Định Hóa quyết tâm bứt phá, xây dựng huyện nông thôn mới
Huyện Định Hóa (Thái Nguyên) từng là nơi ở, làm việc của Bác Hồ và các nhà cách mạng tiền bối, là An toàn khu (ATK), Thủ đô Kháng chiến chống thực dân Pháp. Dù còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và bằng những việc làm thiết thực, Định Hóa quyết tâm bứt phá, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2023.
Gia đình anh Lý Ngọc Đình ở xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng trồng được khoảng 15 ha quế, đến nay đã cho thu hoạch.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân, năm 2016, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Định Hóa ban hành Chương trình trồng quế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, từ đó đến nay, diện tích trồng quế ở địa phương phát triển mạnh. Xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng có gần 90 hộ đồng bào dân tộc Dao, được huyện hỗ trợ giống, phân bón, cán bộ kiểm lâm huyện tổ chức trồng, đến nay đã có 70 ha quế, chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, cây quế phát triển tốt, tỷ lệ tinh dầu đạt cao. Từ năm 2016 đến nay, gia đình anh Lý Ngọc Đình ở xóm Đồng Đình trồng được 15 ha quế, anh Đình chia sẻ: "Ban đầu, mỗi ha trồng 5.000 cây quế, từ năm thứ ba trở đi quế cho thu nhập bằng việc tỉa thưa, thân cây, cành, lá bán cho cơ sở chiết xuất tinh dầu với giá từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/kg, sang năm thứ tư tỉa thưa bán được 65 triệu đồng, kinh tế gia đình ổn định".
Gia đình ông Triệu Thanh Bình cũng ở xóm Đồng Đình đến nay đã trồng được bảy ha quế, đến năm thứ tư ông Bình bắt đầu tỉa cành và lá quế tươi bán, mỗi héc-ta thu được gần 30 triệu đồng. "Rừng quế đến năm thứ tám trở đi là có thể khai thác vỏ, vỏ quế tươi bán với giá từ 24 nghìn đến 25 nghìn đồng/kg, thân cây bán với giá hơn hai triệu đồng/m3. Từ 15 năm trở đi, với mật độ khoảng 1.300 cây/ha, mỗi héc-ta quế cho tổng thu nhập hơn một tỷ đồng", ông Bình chia sẻ. Những năm qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vũ Hoa cho nông dân ứng tiền mua giống, phân bón trồng quế và thu mua quế với giá ổn định.
Từ năm 2016, mỗi năm Định Hóa trích ngân sách khoảng hai tỷ đồng hỗ trợ cây giống, công trồng và chăm sóc, đến nay toàn huyện đã trồng được hơn 2.600 ha quế. Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa Nguyễn Đức Thắng chia sẻ: "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân tích cực thực hiện chương trình trồng quế đến năm 2025 và thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chiết xuất tinh dầu tại địa phương để bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định cho người dân". Tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành đề án, trong đó xác định quế là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, từ nay đến năm 2030 hỗ trợ 50% giá giống để hình thành vùng sản xuất quế hàng hóa tập trung với diện tích 10.000 ha tại huyện Định Hóa.
Cùng với các mô hình kinh tế khác, đến nay thu nhập bình quân của người dân huyện Định Hóa đạt 46 triệu đồng/người/năm; tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là gần 2.770 tỷ đồng, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp hơn 255 tỷ đồng và hiến khoảng 383 ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Kết quả, 11 xã (50% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 11 tiêu chí trở lên, có hai trong số chín tiêu chí đạt huyện nông thôn mới. Tuy nhiên, so với các huyện khác trong tỉnh, việc xây dựng nông thôn mới của Định Hóa còn nhiều khó khăn.
Khi đến thăm Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, dự Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc huyện Định Hóa và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên giữa tháng 11/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo, cho chủ trương, định hướng xây dựng Định Hóa đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2023. Ngay sau đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ráo riết chỉ đạo huyện Định Hóa lập đề án, lấy ý kiến các ngành, các cấp, tổ chức nhiều hội nghị, khảo sát, quyết tâm xây dựng Định Hóa đạt huyện nông thôn mới trong thời gian tới. Trong đó, tập trung xây dựng, phát triển các mô hình, cơ cấu lại các ngành sản xuất theo hướng bền vững để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ, gắn với quá trình đô thị hóa. Cụ thể hóa chủ trương xây dựng Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới, ngày 18/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên, lãnh đạo gần 20 bộ, ngành để cho ý kiến hoàn thiện, triển khai Đề án xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới. Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp đều đồng thuận, nhất trí và đánh giá cao đường hướng của Định Hóa, khẳng định việc hỗ trợ Định Hóa vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm, là vinh dự để góp phần hỗ trợ thủ đô kháng chiến năm xưa bứt phá phát triển nhanh, bền vững.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội làm việc với Thường trực Tỉnh ủy và các bộ, ngành, doanh nghiệp, chúng tôi đã chỉ đạo huyện Định Hóa khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt Đề án xây dựng huyện nông thôn mới. Đến nay, dự kiến nguồn lực đầu tư đã cơ bản đủ, sẽ tổ chức thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ, đồng bộ để đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới một cách bền vững". Đây thật sự là động lực, điểm tựa để Định Hóa bứt phá trong tiến trình phát triển đi lên.
nhandan.vn
Tin liên quan
- Khảo sát, tư vấn để phát triển hợp tác xã tại Định Hóa (Thái Nguyên)
- Tư vấn,hỗ trợ thực hiện Đề án xây dựng huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023
- Tư vấn, hỗ trợ thực hiện Đề án xây dựng huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023
- Những bước phát triển trên chiến khu Định Hóa
- Định Hóa quyết tâm bứt phá, xây dựng huyện nông thôn mới
- ATK Định Hóa: Huyện nông thôn mới vào năm 2023
- Tập trung tư vấn, hỗ trợ cho các HTX tại Định Hóa trong 6 tháng cuối năm
- Tập huấn Quy trình kỹ thuật sản xuất cây gai xanh API
- Liên minh HTX Việt Nam tập trung hỗ trợ các HTX tại Định Hóa trong những tháng cuối năm 2022
- Ba năm nữa, 133 đơn vị cấp xã của tỉnh Thái Nguyên sẽ đạt chuẩn nông thôn mới