Hiệu quả từ phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao
Phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đang mang lại nhiều lợi ích cho các chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn.
Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã đưa ra các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, nhằm tăng giá trị kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và quan trọng nhất là phát triển chăn nuôi bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, theo thống kê, trên địa bàn Thành phố đã có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi. Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mặt ở hầu hết các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp và tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng... Hiện có 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - tiêu thụ nông sản (Jafa, CP, Dabaco, CJ Việt Nam, Minh Long, Công ty Giống gia súc Hà Nội, ...) đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các hợp tác xã cũng đã phát huy được vai trò chủ đạo trong thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất tại cơ sở, số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là 122 hợp tác xã, trong đó có 3 hợp tác xã chăn nuôi, chiếm 2,5% số hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, 100% các sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng công nghệ cao do các trang trại chăn nuôi lợn, gà, trâu bò đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp kỹ thuật công nghệ cao hoặc sản phẩm của công nghệ cao trong quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm; nhiều chuỗi sản xuất - sơ chế - tiêu thụ áp dụng công nghệ cao trong quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai: Qua 15 năm xây dựng và phát triển, HTX Chăn nuôi Hoàng Long đã có một quyết định đúng đắn đầu tư ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản và đồng bộ. Nhờ vậy, đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho HTX khi trên diện tích hơn 2ha với chuỗi nhà tầng khép kín, đơn vị đang chăn nuôi 400 lợn nái và hơn 4.000 lợn thương phẩm nhưng chỉ phải sử dụng 8 nhân công lao động, vừa giảm chi phí lại đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.
HTX Chăn nuôi Hoàng Long ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi (máng ăn tự động, quạt làm mát...). Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Theo ông Vũ Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội, với mong muốn tăng nhanh đàn bò thịt có năng suất cao, chất lượng tốt, trong những năm qua, Công ty đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ tạo phôi bò invivo và invitro, công nghệ cấy truyền phôi bò.
Thành công của công nghệ cấy truyền phôi cho phép khai thác tối đa giá trị di truyền của gia súc có giá trị di truyền cao, phổ biến và nhân nhanh giá trị di truyền đó vào thực tế sản xuất, rút ngắn khoảng cách thế hệ thông qua quá trình sản xuất phôi trong phòng thí nghiệm (in vitro) và ở bò cho phôi (in vivo). Sản xuất phôi ở bò cho phôi (in vivo) cho phép thu phôi từ bò cho phôi được chọn lọc kỹ càng về mặt năng suất, chất lượng. Cấy phôi sản xuất ra cho bò nhận phôi (bò mẹ không đòi hỏi về mặt năng suất, chất lượng mà chỉ cần có khả năng sinh sản bình thường) để tạo ra các con bé có năng suất như mong muốn. Sự thành công của kỹ thuật này đã mở ra một bước đột phá cho ngành chăn nuôi bò ở nước ta, đặc biệt là những giống bò quý hiếm.
Việc sản xuất thành công phôi bò đông lạnh có chất lượng tương đương với phôi bò nhập ngoại, sẽ tạo ra một bước đột phá trong việc nhân nhanh đàn bò cao sản, không những ở Hà Nội mà cả ở những tỉnh thành khác của cả nước. Khi chủ động sản xuất được nguồn phôi bò còn tiết kiệm được cả nguồn ngoại tệ để nhập khẩu phôi giống và con giống bò này, đặc biệt là Việt Nam chủ động tạo ra con giống BBB thuần (cả đực và cái) ngay tại Việt Nam. Điều này góp phần nâng cao sản lượng thịt bò tạo ra trong nước, giảm ngoại tệ mua bò giống, bò thương phẩm từ các nước xung quanh.
Có thể thấy, trong lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao được lựa chọn ứng dụng chủ yếu là các công nghệ, thiết bị thông minh trong việc quản lý, điều khiển môi trường chăn nuôi. Từ đó góp phần giúp giảm nhân công lao động, tăng chất lượng và sản lượng sản phẩm. Nhìn chung các mô hình sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao hiện có trên địa bàn thành phố tuy quy mô chưa lớn nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội. Bên cạnh đó cũng đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất trong điều kiện hiện nay của thành phố.
Theo Thiện Tâm/ Báo Chính phủ
Tin liên quan
- Những thách thức của nông dân Quảng Trị trong thực hiện công nghệ 4.0
- Bạc Liêu: Thành lập các HTX nuôi tôm công nghệ cao
- Nhân rộng mô hình hợp tác xã 4.0
- Vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển của khu vực KTHT, HTX
- Các HTX Dược liệu tham gia hội nghị hợp tác chuyển giao công nghệ y dược cổ truyền Việt Nam, Trung Quốc
- Hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc và sàn giao dịch điện tử hỗ trợ xuất khẩu nông sản cho các HTX
- Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở Sơn La: Đổi mới tư duy, đẩy mạnh liên kết
- HTX dịch vụ và sản xuất rau an toàn Tùng An (Thanh Hóa): Tiên phong trong triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao
- Người Bahnar ở Ayun liên kết sản xuất lúa nước theo hướng VietGAP
- Máy sục khí Venturi cải tiến