Vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển của khu vực KTHT, HTX

Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong thông báo số 585/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 19 tháng 12 năm 2017 nêu rõ  “cùng với doanh nghiệp nói chung, hợp tác xã là một chủ thể quan trọng, được coi là thành phần kinh tế quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình, để tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến...”. Mặc dù khu vực HTX phát triển còn chậm cả về số lượng và chất lượng, các nguồn lực hỗ trợ còn khó khăn, phân tán ở nhiều chương trình, cơ chế chính sách thiếu đồng bộ và cụ thể hóa nhưng “... khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội”.

Mô hình trồng rau thủy canh, ảnh minh họa, nguồn internet

Đến cuối năm 2018, cả nước có 22,456 hợp tác xã. Trong đó có 13.712 hợp tác xã nông nghiệp, 7,563 hợp tác xã phi nông nghiệp, 103,435 tổ hợp tác. Có khoảng 40% số HTX hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động và đóng góp 5,6 % GDP. Những kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam nói chung và đội ngũ cán bộ hoạt động khoa học và công nghệ nói riêng.
Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chúng tôi tổng hợp một số luận bàn về ý nghĩa, vai trò của Khoa học và Công nghệ đối với sự phát triển, đặc biệt là trong khu vực các cơ sở kinh tế hợp tác và hợp tác xã.
Thứ 1: Nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng

Khu vực kinh tế HTX với nhiều hạn chế trong quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất, ngoài những nguyên nhân về tài chính thì một nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển liên quan đến trình độ của thành viên là khả năng tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng đổi mới công nghệ. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo, tập huấn, kèm theo đó là hoạt động hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX hiệu quả, điển hình trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới để làm cơ sở trình diễn, học tập. Đây là giải pháp cơ bản để thúc đầy ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất giúp nâng cao năng lực sản xuất cả chiều rộng và chiều sâu. Với vai trò này, khoa học và công nghệ là phương tiện để chuyển nền kinh tế nông nghiệp thuần túy sang nền kinh tế tri thức, trong đó phát triển nhanh các ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động trí tuệ là đặc điểm nổi bật.

Mô hình tưới rau hữu cơ, ảnh minh họa, nguồn internet

Thứ 2: Tăng sức cạnh tranh sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế
Thành phần kinh tế hợp tác, hợp tác xã với tôn chỉ mang tính cộng đồng, cùng nhau hợp tác, cùng nhau phát triển ngày càng khẳng định vai trò hạt nhân trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp.  Hợp tác xã là cầu nối chuyển giao tiến bộ công nghệ, kỹ thuật;  từ các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm đến với người nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, cao su.

Việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã mang lại những tác động to lớn,  đây là đòn bẩy nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Có thể thấy, nhờ những đóng góp quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệ trong nhiều lĩnh vực đã đem lại cho chúng ta những kết quả và thành tựu rất đáng khích lệ. Đối với khu vực HTX, tính tới năm 2016 chỉ đóng góp khoảng 4% vào GDP, đến năm 2018 đã đóng góp 5,6 % vào GDP của cả nước. Đây là bước tiến nhỏ nhưng có ý nghĩa to lớn, khẳng định các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã cũng là một thành phần kinh tế quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Ảnh minh họa, nguồn internet

Thứ 3: Bảo vệ môi trường sinh thái
Ứng dụng tiến bộ và đối mới công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất là tạo ra một môi trường sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải ô nhiễm. Phong trào HTX dịch vụ môi trường phát triển trên cả nước, có HTX phát triển quy mô lớn, thực hiện nhiều dịch vụ hàm lượng khoa học công nghệ cao như HTX Môi trường Thành Công, Hà nội. Tính đến nay, cả nước có khoảng gần 300 HTX chủ yếu thực hiện chức năng vệ sinh môi trường nông thôn, thu gom, tái chế rác thải. Chất thải được thu gom sản xuất thành các dạng sản phẩm hữu ích: khí sinh học, sản xuất điện, gạch không nung…, ứng dụng công nghệ sinh học xử lý mùi hôi cho chuồng trại chăn  nuôi đảm bảo môi trường sinh thái trong lành. Đặc biệt đã hình thành nhiều mô hình HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa các loại hình sản xuất, chất thải chăn nuôi được sử dụng triệt để làm phân bón hữu cơ vừa giúp cải tạo đất trồng, nâng cao sức đề kháng của cây trông, giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, nâng cao giá trị nông sản.
Các Quốc gia phát triển trên thế giới đã và đang đầu tư rất nhiều vào Khoa học và Công nghệ với trình độ cao hơn nhóm nước đang phát triển hàng chục năm. Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển, với phương trâm đi tắt, đón đầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng và có thể bắt kịp nhịp độ phát triển của các nước trong khu vực và thế giới. Có thể nói: Vai trò của khoa học công nghệ với tăng trưởng kinh tế của Việt nam nói chung và các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã nói riêng trong giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu có ý nghĩa rất quan trọng, đây là nền tảng, là động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế này.
Trung tâm Khoa học Công Nghệ& Môi trường