Hương Trà (Thừa Thiên Huế):

Hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, tạo lợi thế cạnh tranh

Nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cũng như nâng cao giá trị các loại nông sản, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) triển khai nhiều mô hình trồng rau màu, cây ăn quả theo hướng an toàn, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.

Người dân Hương Xuân chăm sóc vườn ổi - cây ăn quả chủ lực của địa phương

Từ mô hình nhỏ

Tận dụng thế mạnh về đất đai, các xã, phường có truyền thống trồng rau màu trên địa bàn thị xã Hương Trà đang tìm hướng phát triển bền vững cho những cây trồng chủ lực của địa phương.

Theo lãnh đạo phường Hương Chữ, để đảm bảo diện tích trồng rau màu trên các vùng quy hoạch của địa phương, ngay từ đầu vụ, phường đã chỉ đạo HTX nông nghiệp, các tổ dân phố hướng dẫn, tổ chức cho bà con gieo trồng, bón phân đúng quy trình và đảm bảo lịch thời vụ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả từ việc trồng cây rau màu chính vụ cũng như trái vụ, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, lựa chọn giống rau thích hợp để bà con nhân ra diện rộng; xem đây là loại cây trồng chủ lực nhằm tăng nguồn thu nhập, giúp đời sống của người dân từng bước được nâng cao.

Chủ tịch UBND phường Hương Chữ - Lê Đình Lanh chia sẻ, mới đây, Phòng Kinh tế thị xã, HTX La Chữ và người dân địa phương phối hợp triển khai thử nghiệm mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới trên diện tích 0,6ha với kinh phí hơn 350 triệu đồng. Trong đó, Công ty Quế Lâm hỗ trợ phân hữu cơ, người dân đối ứng (đóng góp hơn 167 triệu đồng), địa phương cho thuê đất ưu đãi, kinh phí ngân sách hỗ trợ gần 200 triệu đồng...

Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà, ông Trần Xuân Anh thông tin, rau màu được trồng trong nhà lưới “cơ động” phù hợp điều kiện thời tiết, khả thi với kinh tế của người dân. “Để có nguồn nước tưới sạch, thị xã sẽ hỗ trợ đào 2 giếng khoan sâu để lấy nước, đảm bảo rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Chúng tôi đang làm việc với Quế Lâm để tìm đầu ra ổn định, đưa sản phẩm rau hữu cơ của Hương Chữ vào hệ thống trong thời gian tới. Từ mô hình này, thị xã sẽ nhân rộng, có đề án “dài hơi” để triển khai ở các địa phương”, ông Xuân Anh nói.

Từ vụ mùa 2021, Phòng Kinh tế thị xã làm chủ đầu tư phối hợp với người dân Hương Toàn và chính quyền địa phương trồng 50ha lúa Khang Dân theo tiêu chuẩn VietGAP với mục đích cung cấp nguồn nguyên liệu sạch cho làng bún Vân Cù. Vụ vừa rồi, sản lượng lúa thu hoạch không đủ cung cấp cho người dân làm bún. Phòng tiếp tục triển khai mô hình liên kết này cùng một số mô hình khác trong năm 2022, như: mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả (thanh trà, cam, bưởi da xanh) trên diện tích 9 ha ở Hương Vân, Bình Thành, Hương Bình và Bình Tiến. Mô hình phát triển cây dược liệu tràm gió có quy mô gần 15ha ở 3 phường Hương Văn, Hương Xuân, Hương Chữ, với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng. Mô hình sản xuất cam, quýt, bưởi VietGAP ở Hương Bình.

Đến đề án lớn

Hương Trà đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, một số sản phẩm mang tính hàng hóa, có thương hiệu. Các mô hình liên kết trong sản xuất bước đầu đem lại hiệu quả, đóng góp một phần trong cơ cấu kinh tế thị xã; nhờ vậy, giảm bớt các tầng nấc và chi phí trung gian, tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con. Như mô hình liên kết với Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh, Công ty Quế Lâm sản xuất giống lúa. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với việc các doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng nhà lưới để trồng các loại rau và tưới bằng hệ thống van tự động cho rau màu và cây ăn quả ở Tứ Hạ, Hương Bình, Hương Vân, Hương Hồ…

Năm 2022, chương trình phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao là 1 trong 4 chương trình trọng điểm của thị xã nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, nông sản hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

Theo Trưởng phòng Kinh tế thị xã, ngoài hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng theo hướng cánh đồng lớn, các vùng lúa hữu cơ, thị xã sẽ tập trung phát triển các loại nông sản chủ lực là thế mạnh của từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, các biện pháp thâm canh bền vững.

Đồng thời, tập trung phát triển cây ăn quả ở các xã vùng gò đồi phía tây (Hương Bình, Bình Thành, Bình Tiến) và phường Hương Vân. Phấn đấu xây dựng thương hiệu cho các vùng chuyên canh hành, kiệu, rau màu ở Hương Chữ, Hương Xuân. Đẩy mạnh việc thu hút, khuyến khích các DN đầu tư sản xuất rau màu công nghệ cao tại các vùng đã quy hoạch như Hương Xuân, Hương Chữ. Phát triển mô hình hợp tác liên kết trong sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, tạo điều kiện để nông dân, DN tiếp cận thuận lợi về đất đai, vốn và thị trường để mở rộng sản xuất”, ông Xuân Anh cho biết.

Bài, ảnh: Liên Minh/CTV báo Thừa Thiên Huế


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam