Tỉnh Cao Bằng:
Kết nối, tiêu thụ nông sản thời 4.0 - Giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã tác động không nhỏ tới chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản. Để giúp khách hàng cập nhật thông tin nhanh chóng, không bị giới hạn về thời gian, khoảng cách, nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh đã triển khai quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các ứng dụng trên Internet. Việc kết nối, tiêu thụ nông sản 4.0 chính là giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng chưa có sàn giao dịch thương mại điện tử, trước mắt các DN, HTX, hộ kinh doanh đã lựa chọn ngày càng nhiều việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh trên các mạng xã hội zalo, facebook..., sử dụng các phần mềm trong sản xuất điều hành, như: Phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, quản lý bán hàng. Một số doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng website riêng và thành lập các fanpage để thúc đẩy tiếp thị, quảng bá, trao đổi thông tin. Sau thời gian ứng dụng trên Internet, hầu hết các DN, HTX đều cho rằng so với phương thức truyền thống, đây là kênh tiếp cận với người tiêu dùng nhanh, hiệu quả nhất, đặc biệt chi phí thấp.
HTX Ba Sạch Hưng Đạo là một trong những HTX có nhiều mặt hàng nông sản được người tiêu dùng tin dùng với 28 mã sản phẩm nông nghiệp được đưa ra thị trường, trong đó, 18 sản phẩm đã được đăng ký công bố chất lượng. Để sản phẩm lưu thông trên thị trường, HTX Ba Sạch đã thực hiện liên kết sản xuất với nông dân các huyện: Hà Quảng, Nguyên Bình, Hòa An… giám sát chặt chẽ các quy trình sản xuất, chế biến, phân loại sản phẩm.
Các sản phẩm của HTX được sản xuất theo chuỗi liên kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, được đăng ký mã vạch, đóng tem truy xuất nguồn gốc (mã QR) và được quảng bá, giới thiệu trên hệ thống phân phối khắp các tỉnh miền Bắc, trong đó có các chuỗi siêu thị lớn uy tín ở thị trường Hà Nội, như: Vinmart, Bigo, BigC... và được xuất khẩu sang các nước: Nga, Ả Rập, Đức, Nhật.
Nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội, dừng các hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa nên sức tiêu thụ các mặt hàng nông sản bị chững lại so với các năm trước. Để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, HTX thành lập fanpage HTX nông nghiệp Ba Sạch Hưng Đạo để tiếp cận các khách hàng tiềm năng và thực hiện giao dịch online.
Giám đốc HTX Ba Sạch Hưng Đạo Lại Đức Thứ chia sẻ: Hình thức tiêu thụ sản phẩm nông sản của HTX đang sản xuất thông qua kênh phân phối là hệ thống khách hàng xây dựng trên nền tảng là các cộng tác viên, các chuỗi cửa hàng bán nông sản sạch trong và ngoài tỉnh. Thông qua hình thức này, các sản phẩm của HTX đã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, các đơn đặt hàng cũng được HTX chủ động điều tiết được cơ cấu sản lượng, đối tượng sản xuất và giúp tăng sản lượng tiêu thụ.
Truy cập vào website https://kolia-tea.com.vn/, ở bất cứ đâu người tiêu dùng cũng có thể nắm được các thông tin giới thiệu về Công ty TNHH Kolia, xã Thành Công (Nguyên Bình); giá thành sản phẩm các loại trà mà Công ty sản xuất, phân phối; chính sách đại lý và nhà phân phối cũng như nhanh chóng liên hệ được với Công ty. Giám đốc Công ty TNHH Kolia Hoàng Mạnh Ngọc cho biết: Công ty thành lập website để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, dịch vụ nghỉ dưỡng của Công ty.
Cùng với phương thức bán hàng truyền thống, nhiều đơn hàng hiện nay của Công ty đều qua các ứng dụng trên Internet. Đặc biệt, qua ứng dụng trên facebook, khách hàng chỉ việc inbox để lên đơn số lượng, địa chỉ và lựa chọn phương thức vận chuyển, thanh toán là đã có thể nhanh chóng mua được sản phẩm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đây cũng là kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản hiệu quả, không tốn chi phí. Nhờ sự nỗ lực kết nối, quảng bá trên Internet, các sản phẩm của Công ty như các loại trà có giá trị cao, rau hữu cơ, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng đã giới thiệu sản phẩm thành công trên thị trường và được bày bán tại các hệ thống siêu thị, của hàng trên địa bàn Hà Nội.
Thương mại điện tử hiện nay không còn lạ đối với người tiêu dùng trong nước, việc người tiêu dùng lập một tài khoản để kết nối với các “chợ” 4.0 là điều quá dễ dàng khi điện thoại thông minh phổ biến. Đây chính là lợi thế để các DN, HTX, hộ kinh doanh có thể tiêu thụ hàng hóa trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng không đến tận nơi nhưng vẫn có thể lựa chọn được sản phẩm mình cần với đầy đủ các sản phẩm an toàn.
Giao diện trang chủ Website của Công ty TNHH Kolia.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nhan Viết Thái cho biết: Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nông sản là xu thế được nhiều người lựa chọn. Để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, Sở Công thương đã mời các DN, HTX, hộ kinh doanh tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến”. Khi tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử, các thành viên sẽ được miễn tất cả các chi phí, được hỗ trợ tham gia quảng bá sản phẩm tại hội chợ, các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu… Qua đó giúp DN, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động một cách hữu hiệu nhất.
Nhằm giúp các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhanh chóng khai thác và ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử, thời gian tới, ngành Công thương tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước để quảng bá, tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Đồng thời, cập nhật các thông tin thương mại, thông tin hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu hình ảnh về các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu lên bản đồ số. Từng bước đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến (thanh toán không dùng tiền mặt); từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Hướng tới xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản ra thị trường trong và ngoài nước.
Thanh Bình/ báo Cao Bằng
Tin liên quan
- Những thách thức của nông dân Quảng Trị trong thực hiện công nghệ 4.0
- Bạc Liêu: Thành lập các HTX nuôi tôm công nghệ cao
- Nhân rộng mô hình hợp tác xã 4.0
- Vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển của khu vực KTHT, HTX
- Các HTX Dược liệu tham gia hội nghị hợp tác chuyển giao công nghệ y dược cổ truyền Việt Nam, Trung Quốc
- Hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc và sàn giao dịch điện tử hỗ trợ xuất khẩu nông sản cho các HTX
- Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở Sơn La: Đổi mới tư duy, đẩy mạnh liên kết
- HTX dịch vụ và sản xuất rau an toàn Tùng An (Thanh Hóa): Tiên phong trong triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao
- Người Bahnar ở Ayun liên kết sản xuất lúa nước theo hướng VietGAP
- Máy sục khí Venturi cải tiến